Giữa cái nắng gay gắt như thiêu đốt của ngày hạ, lại thêm từng đợt gió Lào hanh khô thổi liên tiếp làm cho đất, người miền Trung như bị nung. Cái nắng, cái gió cũng là lý do khiến người dân nơi đây đua nhau mua tủ lạnh. Bi hài cũng từ đó mà ra.
Xóm tôi là một vùng quê nghèo, cách đây chục năm về trước cái đói, cái rét còn hiện diện, theo đó là sự lạc hậu tồn tại bao năm qua. Mấy năm gần đây, đời sống bà con khấm khá hơn. Cái ăn đã dần đủ no, bà con cũng sắm được cái này cái nọ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng nhà nhà trong xóm đua nhau mua tủ lạnh nổi lên rôm rả. Hôm nay, hàng xóm đối diện mua, ngày mai người nhà dưới mua, cứ thể quanh đi quẩn lại trong vòng một tháng cả xóm ai cũng có tủ lạnh.
Mỗi cái tủ thường được mua từ 5 triệu trở lên, tính ra cũng gần bằng giá tấn lúa. Mà ở cái nơi, đất nông nghiệp không có này nhà nào ít nhân khẩu chưa chắc đã làm được một tấn lúa mỗi năm. Ấy vậy mà ai cũng phấn khởi đi mua tủ lạnh cho bằng hàng xóm láng giềng.
Người thì bán lúa mua tủ, cũng có kẻ để dành tiền làm thuê để sắm. Cứ cho một ngày công đi làm thợ xây 170.000 đồng chưa trừ ăn uống thì cũng mất mấy tháng để có đủ tiền, thế nhưng có phải ngày nào cũng có việc đâu.
Lại có gia đình, con cái gửi tiền về cho bố mẹ mua, nhưng cũng có người đi vay tiền để mua tủ lạnh, trong khi tiền gốc của mình thì không có đồng nào.
Lý do được đưa ra rất đơn giản vì không muốn người ta khinh, hay như tại nhà có đứa em nhỏ tuổi hay sang bên xóm xin đá lạnh về uống nên phải mua cho kì được.
Nhiều gia đình ở quê tôi thi nhau mua tủ lạnh mới trong khi thực sự không cần thiết.
Muôn nẻo lý đo để người ta mua tủ lạnh, tuy nhiên, tôi cho rằng mua tủ cũng phải tính đến nhiều khía cạnh phát sinh liên quan, bởi đã nghèo lại càng nghèo hơn khi hóa đơn điện cuối tháng lên đến hàng trăm nghìn.
Nhiều nhà ăn cơm cà, cơm rau để giành tiền cuối tháng trả tiền điện. Tính sơ sơ mỗi tháng trên hai, ba trăm nghìn thì chẳng mấy chốc tiền điện đủ để mua cái tủ thứ hai.
Bi hài hơn khi cái tủ trống trơn. Dân ở đây nghèo lấy đâu ra tiền mua thức ăn hoa quả để giành như người thành phố. Người ta mua tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, thức ăn khỏi hư hỏng còn làng xóm đây mua tủ để đông đá uống nước tránh nóng hè.
Hóa đơn điện, tủ trống rỗng là một chuyện. Không ít người rút điện tủ lạnh để khỏi tốn tiền. Khi nào có đồ ăn hay cái gì cần bảo quản thì cắm điện vào, không thì lại rút ra. Mua được tủ lại chất thêm nỗi lo tiền điện nuôi tủ, lại có người hàng tháng vác lúa ra chợ bán lấy tiền về trả tiền điện do tủ lạnh.
Trước, hóa đơn điện chỉ 30.000 đến 40.000 đồng, giờ con số gấp lên mấy lần. Những người già phải cắt xém môt khoản lương hưu, người nông dân thì xách lúa ra chợ. Thiết nghĩ phải chẳng mua tủ lạnh để làm giàu cho công ty điện lực?
Suy đi tính lại, tôi thấy lợi thì ít mà hại thì nhiều. Tiền kiếm ra đã khó nay lại phải thêm mấy khoản tiền nữa để nuôi tủ mà tháng nào cũng như tháng nào lại khổ thêm mấy phần. Khổ đèo khổ thế này bao giờ mới thoát được, trong khi đồ điện tử nếu không biết cách sử dụng sẽ nhanh hỏng, khi đó lại tiền mất tật mang.
Đành rằng, sắm sửa những vật dụng cần thiết cho cuộc sống là nên làm nhưng cần phải suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định. Bởi lẽ cái gì thật hữu dụng, cần thiết cho cuộc sống của ta thì ta mới sắm cho bằng được còn không thì khi nào đủ điều kiện thì hãy sắm, như thế sẽ hợp lý hơn.
Nguồn vnexpress
Mời bạn tham khảo thêm về trung tâm bảo hành tủ lạnh Funiki tại Hà Nội của trung tâm chúng tôi!